Gửi Nguyễn Trùng Khánh
Thế rồi, cái gì phải đến cũng đến. Ngày trở về Việt Nam đã tới. Mấy tuần trước đó có vài người khuyên tôi nên ở lại. Nếu tôi muốn họ sẽ giúp tôi trốn sang Canada. Tôi lưỡng lự mãi. Một bên là cám dỗ của một đời sống mới, tự do và đầy đủ tiện nghi. Một bên là nỗi nhớ nhung, mái tóc bạc của bà mẹ già, ngọn gió rì rào trong bụi tre ngà, một tô phở nóng, một cái gì rưng rức khó tả. Và nhất là cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa bác sĩ Rieux và Rambert trong La Peste của Camus : “Il n’y a pas de honte à préférer le bonheur, mais il peut avoir de la honte à être heureux tout seul”. Tôn Kàn, Quan hai lang tây lính thủy đánh bộ. (tr.94-95 TSYS 1993)
Tiếng leng keng của chiếc tàu điện đang đổ dốc với chật ních du khách đứng lan cả ra thành tàu, trên một nền xa mờ thấp thoáng chiếc cầu Golden Gate: cảnh ấy như biểu tượng của Cựu Kim Sơn không đổi thay từ bao năm trên tấm Postcard gửi đi từ thành phố thanh lịch mỹ miều này. Từ ngày hôm ấy, mười lăm năm sau, chẳng thể nghĩ rằng hơn một lần Phan trở lại nơi đây. Cảm giác như không hề có thật.
Cuộc hành trình qua suốt 15 tiểu bang, trong một khoảng thời gian không dài, để thấy cái mông mênh của tân lục địa và những cơ hội cho người lưu dân mới tới. Mỗi nơi là một quyến rũ bào chữa bảo chàng không về. Cùng chuyến đi với Phan, có Chính. Không thắc mắc vấn nạn, Chính đã có ý định ở lại ngay từ ngày còn bên nhà. Biết nhau từ hồi Đại học xá Minh Mạng. Chính học giỏi nhưng chẳng may Tú tài chỉ đậu bình thay vì ưu hạng nên đã một lần lỡ mộng du học. Sau đó Chính chọn Y khoa, là một trong số những nội trú xuất sắc, được chọn vào Ban Giảng huấn và cho đi du học Mỹ sau đó. Khi tới thăm Walter Reed, có dịp gặp lại Chính ở Hoa Thịnh Đốn giữa mùa hoa anh đào nở. Chính cũng đang bay qua nhiều tiểu bang cho những cuộc Interviews để được chọn vào chương trình Nội trú các bệnh viện. Câu chuyện rồi cũng lại xoay quanh chuyện ở hay về. Hắn thuyết phục Phan bằng vô số những “bởi vì”, rằng không chấp nhận cộng sản phía bên kia, cũng không thể chấp nhận thối nát của bên này, rằng sớm muộn Mỹ cũng sẽ bỏ rơi miền Nam. Chính đã dứt khóat khôn ngoan xử dụng trí thông minh và cơ hội để chọn một cuộc sống lưu dân êm ấm. Không phán đoán mà rất thản nhiên với chuyện lựa chọn của Chính. Phan còn lý luận tốt cho bạn, rằng thông minh như nó lại có cơ hội, biết đâu hắn chẳng trở thành một giáo sư y khoa lỗi lạc. Trường hợp Chính cũng như nhiều nhân viên giảng huấn được gửi đi mà không trở về chỉ nằm trong hiện tượng “brain drain” rất phổ quát của trí thức năm châu. Người ta luôn luôn nhắc tới một bà mẹ Teresa yếu đuối tận tụy hy sinh giúp những người bệnh nghèo ở Ấn nhưng chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của hàng chục ngàn bác sĩ Ấn độ không thiếu những thành phần lỗi lạc vẫn tiếp tục hàng năm đổ thêm vào nước Mỹ. Chính cũng chỉ là một giọt rất nhỏ nhoi giót thêm vào lượng nước của một chiếc ly chẳng bao giờ biết đầy.
Bước vào tuổi 30, chưa xa lâu sân trường đại học nhưng những năm thực sự lăn lộn với những người lính chiến trận, Phan thấy mình vĩnh viễn bước ra khỏi đời sống sinh viên tự bao giờ. Cảm giác ấy thật rõ ràng khi vào ngày cuối tuần, Phan thường sang bên khu Đại học Berkerley hiện đại và cổ kính, tìm sự hoà mình để càng thấy rõ là người đứng bên lề. Khá đông sinh viên Việt ở nội trú trong Campus, đa số gốc con ông cháu cha ở Sài Gòn nhưng phản chiến hơn cả sinh viên Mỹ. Chưa hề biết đồng quê là gì nhưng lại biết mặc đồng phục bà ba đen khi lên sân khấu hát “Quảng bình Quê ta ơi” và tích cực quyên tiền giúp Mặt trận Giải phóng. Không, chẳng phải vì cái sân khấu ấy mà Phan có mặt; thực ra Phan có phần đời sống riêng tư ở bên đó. Phương Nghi em gái một đồng nghiệp, thông minh ngây thơ và mong manh trẻ đẹp, có thể chỉ là hình ảnh giấc mộng trăm năm của đời chàng. Làm sao nỡ đem cái mong manh dễ vỡ ấy trở về để mà bắt chia xẻ với chàng những giông bão và bất chắc. Lần gặp Phương Nghi tối qua rất khuya đi giữa các đường phố nhỏ chỉ có những nam nữ sinh viên, chưa hề nói câu từ biệt nhưng Phan cảm tưởng rất rõ đó là chuyến gặp nhau lần cuối cùng…
Buổi sáng nắng đẹp, cầu Golden Gate rực rỡ ửng hồng, nơi mỏm sương mù gần bệnh viện Letterman vẫn như còn sương khói ẩn hiện mờ mờ. Đứng trên chiếc du thuyền, phơi mình trong nắng chan hòa nhưng vẫn thấm lạnh vì từng đợt từng đợt những cơn gió từ biển thổi sâu vào trong vịnh. Không suy nghĩ, như một cử chỉ dứt khoát, Phan ném chiếc máy ảnh, cả những cuộn phim rơi sâu xuống lòng vịnh. Hành động trong khoảnh khắc tưởng như chẳng có ai có thể chứng kiến. Một bà Mỹ già, đôi mắt vui và rất sáng đang tiến lại phía chàng. Hình như ông đã để rơi chiếc máy hình xuống biển. Thay cho câu trả lời Phan nói rất bâng quơ. Gió thổi vào vịnh lớn quá thưa bà. Một tay giữ cổ áo, bàn tay trắng đẹp đẽ kia xuôi vuốt mái tóc bạch kim lấp lánh ánh nắng. Chả thế mà tôi cũng vừa bị thổi băng chiếc mũ lông xuống mặt nước. Rồi bà lân la gợi chuyện. “Ông có phải từ Việt Nam không? Tôi cứ nghĩ ông là người Việt Nam, tôi muốn hỏi tin tức và tình hình bên đó. Cứ theo tin truyền hình CBS thì rối mù, chỉ thấy cảnh lính Mỹ châm lửa đốt nhà dân quê, lại tới vụ thảm sát cả đàn bà trẻ em ở Mỹ Lai. Đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao thằng con trai tôi phải có mặt bên đó”. Thấy Phan không hào hứng bắt chuyện, người đàn bà vẫn lại vui vẻ đi về phía những du khách đang tụ lại nơi mũi tàu. Tuổi già, du lịch giúp bà trốn chạy ra khỏi căn nhà rộng trống trải của mình. Không ngờ cái xứ sở Việt Nam nhỏ bé xa hơn nửa vòng trái đất ấy đã bắt đầu để hằn sâu những dấu ấn trên lục địa này. Hôm sang Palo Alto tới thăm đại học Stanford, như mọi campus khác trên khắp nước Mỹ đang hừng hực những phong trào Sit-in, Teach-in phản chiến. Đốt cờ, đốt thẻ trưng binh, trốn ra nước ngoài, đến vụ tự thiêu chết ở Hoa Thịnh Đốn, xã hội Mỹ đang phân hóa đến cực điểm giữa cao độ của cuộc chiến tranh đã lan ra cả Đông Dương. Sau Thích Quảng Đức, tự thiêu không còn là một hình thức phản đối bất bạo động của Phật giáo mà đã trở thành phương thức đấu tranh của cả sinh viên Mỹ.
Phan được hướng dẫn dặn rất kỹ không bao giờ mang quân phục hay có dấu hiệu của quân đội vì có thể bị hành hung và cả đốt xe. Cũng ngày hôm đó một đám sinh viên Mỹ kéo tới nằm trên đường rầy xe lửa chặn không cho các chuyến tàu chở vũ khí bom đạn tới cảng Oakland để chuyển đưa sang Việt Nam. Vĩnh biệt Cựu Kim Sơn. Thanh thản nhẹ nhàng không lưu luyến buồn vui, để rồi ngày mai chưa biết ra sao nhưng chàng sẽ trở về với bà mẹ già, những người lính đồng đội và cánh đồng lúa thơm chín vàng của Việt Nam. Chẳng phải Cựu Kim Sơn, Phan đã để trái tim mình ở Sài Gòn. Chàng mơ ước cho xứ sở cái sung túc mà người Mỹ đang có nhưng bằng niềm tin tạo dựng với sức lao động vốn siêng năng của người dân mình…
Những năm sau hồi hương, trở lại cuộc sống của một bác sĩ quân y bình thường. Lương sĩ quan, không thể gọi là dư gỉa, cuộc sống người thầy thuốc bận bịu với những người lính và gia đình họ nhưng thanh thản. Vốn không nhiều lý luận, không mang nặng luân lý hy sinh của các bà sơ, nhưng Phan nhạy cảm sống nhiều bằng trực giác. Gặp khó khăn, phải làm việc trong những điều kiện thiếu thốn như một hoàn cảnh chung của cả nước, Phan vẫn tìm cách giải quyết mà anh cho là tốt nhất có thể được khi anh xem mỗi người bệnh ấy như phần ruột thịt thân yêu của gia đình mình. Không quá nhiều tham vọng, lại không thích chánh trị mà anh cho là thời cơ và giả dối; bằng những cố gắng bình thường mỗi ngày, Phan thấy mình có ích và nghĩ như vậy là hạnh phúc. Những tháng ngày sống ở Mỹ như một thế giới rất xa xôi với hiện tại của chàng…
Ngày hôm đó đang nghỉ phép giữa một Sài Gòn đầy xao xuyến, về chuyện ở đi, Phan lại có một quyết định, có thể gọi là lầm lẫn được không, lần thứ hai thay đổi cả hướng đi của đời mình. Chiếc máy ảnh và cả cuộn phim nằm sâu ở một nơi nào đó trong lòng vịnh Cựu Kim Sơn, vẫn ám ảnh Phan như một lời nguyền ngăn chàng không thể trở lại nơi ấy lần thứ hai. Khi mà cứ điểm cuối cùng là Sài Gòn cũng không còn hy vọng đứng vững, thì người ta bắt đầu chạy tứ tán ra các vùng biển, nhào vào các hải cảng và phi trường để tìm phương tiện thoát thân. Bọn du kích đã ra mặt kiểm soát các trục lộ ra Vũng Tàu, xuống Rạch Giá. Từ cảng Sài Gòn đa số tàu Hải quân đã theo đội hình tác chiến bắn phá dữ dội dọc hai bên sông trên đường ra biển từ hai hôm trước. Còn lại phi trường Tân Sơn Nhất, tuy lác đác bị pháo kích nhưng vẫn còn những chuyến bay lên xuống. Chuyến bay dân sự cuối cùng đã phải trở lại Hồng Kông. Số máy bay thưa dần nhưng lượng người đổ vào trong phi trường càng đông cho dù đám quân cảnh ra sức mạnh tay ngăn cản. Bây giờ chỉ những chuyến xe có người hướng dẫn với Manifest của chuyến bay mới được phép vào cổng phi trường. Đây là cơ hội cho những nhân viên trung cấp của toà Đại sứ Mỹ qua trung gian của các bà vợ Việt tung hoành. Cũng chẳng cần có liên hệ mật thiết với chánh phủ Hoa Kỳ hay toà Đại sứ Mỹ, nếu có tiền đô la hay vàng, là có thể thêm tên vào danh sách hành khách cho một chuyến bay nào đó sắp tới. Xứ sở này đã hơn một lần được báo Mỹ mệnh danh có một nền văn hóa tham nhũng/ culture of corruption, đã rất sớm dạy cho những người Mỹ cách tham nhũng, kể cả những vụ đổ hàng PX lậu từ Tân Cảng tới các bãi rác, đủ mọi thứ hàng gì, kể cả súng. Và bây giờ ở trận chiến tàn, trong chuyến tàu vét, họ đang thản nhiên ra giá cho những tấm vé nếu chưa phải để tới thiên đường thì ít ra cũng thoát ra khỏi quần đảo ngục tù hay cả cái chết.
Phan với vợ và con nhỏ, cùng bốn năm gia đình khác, mỗi người với túi hành lý nhẹ, ngồi kín chiếc xe van chờ bốc họ nơi sân sau của một khách sạn gần trung tâm thành phố. Mỗi người bước lên xe là một trao đổi sòng phẳng. Không biết bằng cách nào, có lẽ qua giúp đỡ của gia đình, vợ Phan đã đưa được tên cả ba người vào danh sách. Người đàn bà quá hiểu chồng, sống bằng trực giác phụ nữ, nàng tìm cách chuyển con sang tay Phan. Như vậy nàng có thể yên tâm cho tới khi vào được bên trong của phi trường. Dù lẫn cả trẻ con nhưng sao không khí thật nặng nề và im lặng. Chiếc xe lầm lũi chạy nhanh trên các đường phố nhao nhác. Đám người trên hè phố tụ tập bàn tán, chỉ chỏ nhìn dõi theo chiếc xe mà chắc họ cũng biết là đang hướng về phía phi cảng.
Xe tới gần Bộ Tổng Tham mưu, vẫn còn rải rác những người lính đứng canh giữ. Canh giữ cho một tổng hành dinh trống trơn. Không ra khỏi cổng, nhưng các ông tướng còn lại đã thoát khỏi bộ Tổng tham mưu bằng những chiếc trực thăng cuối cùng. Con bé lại làm xấu, nước đái thơm ấm thấm xuống cả đùi chàng. Chuyền lại đứa con sang tay vợ, như có linh tính con bé nhất định ôm chặt lấy bố, oà khóc khi lọt sang vòng tay mẹ nó. Khi chiếc xe vừa dừng lại nơi trạm kiểm soát, do một quyết định rất nhanh, không biết có tự bao giờ, Phan mở cửa bước xuống, dặn vói vợ. Em và con đi trước, rồi anh sẽ gặp hai mẹ con. Phan tránh không nhìn thẳng vào khuôn mặt vợ, vì biết mình chẳng thể cứng lòng quyết định dứt khoát về một cuộc chia ly như vậy…
Gần trưa ngày 30 tháng 4. Tướng Big Minh qua đài phát thanh kêu gọi buông súng. Hoang mang, ngỡ ngàng, rồi bàng hoàng đau đớn. Lệnh đầu hàng là “phát súng thi ân” cho những đơn vị quyết tâm tử thủ cho tới viên đạn cuối cùng… Trên đường Công Lý, từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất, không biết từ bao giờ, chuẩn uý Ngộ và tiểu đội của anh vẫn trật tự lầm lũi theo hàng một tiến về hướng Dinh Độc Lập. Trước đó nhiều ngày đơn vị anh và các tiểu đoàn Nhảy Dù đã bám trụ ngày đêm từ Ngã tư Bà Quẹo tới cổng Phi long, như nút chặn vững chãi cho cửa ngõ đi vào Sài Gòn và cả bảo vệ vòng đai phi trường. Người chuẩn úy da sạm đen, gương mặt xương gầy với đôi mắt rất sáng nhưng buồn. Súng lục trễ bên hông, trên tay một cây gậy nhỏ, dẫn đầu tiểu đội 12 nguời lính da cũng đen sạm trong những bộ rằn ri lấm bụi bạc sờn. Không chút ảnh hưởng nao núng bởi những khuôn mặt dân chúng hoảng loạn giữa một thành phố xao xác, họ vẫn đều bước theo chân người chuẩn úy, với ba lô trên vai và mũi súng chúc xuống. Có điều gì đó rất thiết thân và thiêng liêng ràng buộc giúp họ thắng mọi sợ hãi trong nỗi sống chết không rời. Cuộc diễn hành kỳ lạ với không trống chiêng không cờ xí, hoàn toàn vắng mặt hàng Tướng lãnh đẹp đẽ trong nhung phục với ngực đầy huy chương trên kỳ đài, mà chỉ có những sĩ quan cấp thấp như chuẩn úy Ngộ và các đồng đội vô danh của anh vẫn can đảm bình thản tới gần tuyến lửa, đi tới trong kỷ luật đội ngũ, diễn qua rải rác những đám đông dân chúng lớn nhỏ tụ tập nhao nhác trên các con phố của một Sài Gòn đang chết dần.
Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đày màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một giòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ…
Ở cái tuổi gần 50 không còn trẻ nữa, mái tóc đã pha chút điểm sương, khi người thầy thuốc là con bệnh, lần thứ hai trở lại lục địa cơ hội này, lẫn trong đám đông phức tạp của những người tỵ nạn mà Phan tưởng rằng đã có thể tách ra từ bao lâu rồi. Được các nhân viên xã hội dắt từ sân bay tới trạm tiếp đón, đó là một hangar trống trải nhưng rộng mênh mông ngay trong phi trường, với trang trí chỉ là một lá cờ vĩ đại ba màu xanh trắng đỏ sặc sỡ những sao và sọc. Rồi cũng như mọi người, Phan chờ cho được kêu tên để đứng vào hàng làm thủ tục giấy tờ, để được phát chiếc áo ấm cùng một màu nâu đồng phục, để được hướng dẫn bước đầu hội nhập vào xã hội Mỹ. Người đàn ông cán sự xã hội rất nhanh nhẹn và hoạt bát, thao thao bất tuyệt với giọng Bắc nhưng vẫn là âm gốc Huế. Anh dí dỏm kết luận bài học công dân đầu tiên: “Xin nhớ cho đây không còn là ở Việt Nam nữa, quý vị bây giờ đang ở trên đất Hoa Kỳ, đã có hoàn toàn tự do, kể cả tự do phê bình tổng thống hay quốc hội, nhưng - anh ta ngưng lại một chút như để tự tán thưởng bằng một nụ cười riêng thú vị: nhưng quý vị sẽ không có tự do trốn thuế. Trốn thuế ở Mỹ thì chỉ có ở tù và được coi là tội nặng nhất…”
Phan vẫn còn ngạc nhiên không hiểu lý do nào vấn đề đóng thuế lại được quan tâm đến như vậy ở đám người tỵ nạn mới tới mà nguồn sống lợi tức trước mắt chỉ là đồng tiền “oen phe”. Quanh Phan, mấy chú ba gốc Chợ Lớn có vẻ rất tập trung và nghiêm túc tiếp thu bài lên lớp đầu tiên ấy. Mũi dao trên trái tim, đó là Chữ Nhẫn Phan học được ở những tháng ngày dài đẵng vô ích và lãng phí của tù đày. Lúc này, không có chỗ cho cảm giác mỏi mệt, không buồn bã, không cả dư vị đắng cay, như một thói quen vô cớ Phan tự mỉm cười và hơn bao giờ hết anh hiểu rất rõ vị trí của mình khi chưa có được “một tấm căn cước” để bước vào cuộc sống mới. Khoảng cách mười lăm năm ấy bỗng dưng bị xóa nhoà. Phải chăng có một ràng buộc định mệnh, Phan đã trở lại Cựu Kim Sơn như chưa hề nói một câu giã biệt.
NGÔ THẾ VINH
Los Angeles 1984
[Mặt Trận Ở Sài Gòn, Nxb Văn Nghệ 1996]